Đặc thù nhà ở của người dân ba miền

Nếu bạn đã từng có cơ hội đặt chân đến các tỉnh thành khác nhau thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc, bạn sẽ nhận thấy những kiến trúc nhà rất khác biệt mang nét riêng của từng địa phương. Đấy là sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống lâu đời và nếp sinh hoạt trong cuộc sống của cha ông. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn những yếu tố dẫn đến sự hình thành đặc thù nhà ở của ba miền Bắc, Trung, Nam.

1. Những yếu tố hình thành đặc thù nhà ở từng vùng miền

Như bạn đã biết, mỗi dân tộc sinh sống trên lãnh thổ đều có những phong tục tập quán riêng biệt được truyền nối qua nhiều thế hệ. Vì thế, dọc theo ba miền Bắc, Trung, Nam, bạn có thể thấy những kiến trúc nhà ở rất đặc thù của người dân địa phương.

Bên cạnh phong tục tập quán, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra đặc thù nhà ở còn được hình thành bởi sự khác biệt của những yếu tố tự nhiên và địa hình, tạo nên nét đặc trưng rất riêng trong kiến trúc nhà ở ba miền.

Đặc thù nhà ở phân hóa theo từng miền

2. Đặc thù nhà của người dân 3 miền khác nhau thế nào?

Miền Bắc

Ở các tỉnh miền Bắc, bạn có thể dễ dàng nhận ra nhà ở của người dân thường được làm từ khung xoan hoặc tre đã ngâm trong nước khoảng từ 1 đến 2 năm để tăng độ bền và tránh bị mối mọt phá hoại. Sau này, mọi người chuộng sử dụng các cây gỗ hơn bởi tính vững chắc và kiên cố của nó.

Về kiến trúc, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy mái của những ngôi nhà truyền thống phía Bắc thường có độ dốc cao để có thể thoát nước mưa một cách dễ dàng, tránh việc nhà bị dột khi trời mưa lớn.

Một điều đặc biệt nữa mà bạn sẽ rất thích thú khi biết đó chính là diện tích nhà của người dân miền Bắc thường sẽ rất nhỏ nếu so sánh với khuôn viên nhà. Ngoài ra, theo nếp sinh hoạt thời xưa, vào những dịp lễ tết hay tiệc tùng, người Bắc đều sẽ tổ chức vui chơi ăn uống ở ngay tại khoảng sân nhà mình nữa.

Nhà truyền thống miền Bắc thường có khuôn viên rộng rãi

Miền Trung

So sánh với đặc thù nhà miền Bắc, bạn sẽ phát hiện ra nhà ở miền Trung lại có những đặc điểm rất riêng. Người dân vùng này đa phần sẽ thiết kế và xây dựng sao cho nhà trên nhà dưới vuông góc với nhau và cùng hướng ra sân trước. Có rất nhiều kiểu nhà truyền thống độc đáo ở miền Trung như: nhà kèo, nhà nọc nứa,...

Đặc biệt, nhà kèo là một trong những kiểu nhà phổ biến và có nguồn gốc rất lâu đời ở miền Trung. Nếu quan sát phần mái, bạn sẽ nhận ra người dân miền Trung khi xây loại nhà này sẽ dùng một cây gỗ to để làm cột trụ chính nằm giữa, đầu cột xẻ ra để lắp một thanh gỗ lớn liên kết với các thanh phụ để chống đỡ mái nhà.

Nhà gỗ miền Trung có kết cấu vô cùng chắc chắn

Miền Nam

Về miền Nam đồng bằng sông nước, bạn có thể thấy nhà cửa ở đây không làm từ tre, nứa như miền Bắc mà chủ yếu được xây bằng tràm hoặc lá dừa nước. Người dân Nam bộ thường chuộng kiểu nhà có nhiều nếp xây liền nhau. Nhà trên là nơi thờ cúng tổ tiên còn nhà dưới chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Còn nếu có dịp đến thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà bè san sát nhau trên các con sông lớn. Kiểu nhà này có thể di chuyển trên những con kênh, không chỉ thuận tiện cho việc nuôi và đánh bắt thủy sản mà còn giúp người dân ở đây tránh được những cơn lũ lụt kéo dài vào mùa nước nổi.

Xóm bè là hình ảnh rất đặc trưng tại miền sông nước

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ hiểu thêm về những nét đặc thù về nhà ở của người dân ba miền. Dù quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ nhưng tin chắc rằng những nét đặc trưng độc đáo mang màu sắc văn hóa và truyền thống rất riêng của ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn sẽ được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Tin liên quan

Tôi muốn tìm