PHƯƠNG ÁN CHỐNG THẤM CHO CÁC DẠNG MÁI NHÀ PHỔ BIẾN

Khi xây dựng nhà cửa, gia chủ thường lựa chọn dạng mái dựa trên thiết kế chung của ngôi nhà và kinh phí đầu tư, điều này khá hợp lý, tuy nhiên lại ít cân nhắc đến đến yếu tố thời tiết và vật liệu mái. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp phát sinh chi phí sửa chữa thấm, dột sau một thời gian sử dụng, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt - đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa như hiện tại.

Thấm gây mất mỹ quan và tuổi thọ công trình

Rất dễ để liệt kê các dạng mái đang được áp dụng phổ biến hiện nay: mái bằng đổ bê tông, mái ngói và mái tôn, mỗi loại mái đều có những ưu nhược điểm riêng về chống thấm. Thế nhưng, lại rất khó để có thể chống thấm đúng, đủ và bền vững cho từng loại. Việc chống thấm đòi hỏi cả một quá trình và khá nhiều yêu cầu kỹ thuật trong thao tác thi công, không phải ai cũng có điều kiện làm ngay hoặc đủ kinh phí để “chống” hoàn hảo cho nhà mình khi mùa mưa đến. Và câu hỏi cần đặt ra là, chống thấm thế nào để tiết kiệm mà vẫn hiệu quả?

Theo các chuyên gia xây dựng, việc chống thấm hiệu quả nên được chú trọng một cách chủ động, từ đầu và kết hợp nhiều nhóm giải pháp mới mang lại hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian cho gia chủ.

Đối với nhà mái bằng, hầu như không dột nhưng việc thấm và gây ố trần nhà xảy ra phổ biến. Nguyên nhân chính của điều này phần lớn là do sự giãn nở của bê tông dưới tác động thời tiết và lớp chống thấm không đủ độ bền hoặc xử lý đúng để có thể chống chịu trong thời gian dài. Thông thường những vị trí tiếp giáp giữa các hình khối, giữa nhà mới với nhà cũ, với nhà bên cạnh, các ô văng hay bồn hoa lồi ra… luôn là những điểm dễ bị thấm nhất. Vì vậy khi thiết kế và thi công rất cần quan tâm xử lý các vùng này.

Các vị trí xung yếu như nối ống đi qua sàn dễ bị thấm, cần gia cố tốt

Một bộ mái đơn giản vươn rộng và đều đặn chắc chắn ít gặp thấm dột hơn là bộ mái nhiều nhấp nhô giao cắt phức tạp. Để chống thấm hiệu quả ngay từ đầu thì vật liệu xây dựng và trình độ kỹ thuật của nhà thầu có tác động rất lớn. Từ khâu thi công các lớp như bê tông, lớp chống thấm, lớp bảo vệ, lớp phủ trên cùng phải đảm bảo độ đồng đều, đồng thời cũng cần tính toán trước sự biến đổi của cấu trúc các vật liệu theo thời gian và tác động ngoại cảnh.

Với mái bằng diện tích lớn thì việc phân khu vực và định vị trí ống thoát nước rất quan trọng

Đối với nhà mái ngói, nguyên nhân thấm dột chủ yếu tại các điểm tiếp giáp với tường và vị trí chồng mí mái. Ngoài việc sử dụng vật liệu tốt như ngói sản xuất đúng tiêu chuẩn tránh vỡ, gia chủ cần có sự tư vấn từ kiến trúc sư trong thi công về độ dốc của mái, xác định chuẩn vị trí chồng mí mái để không bị thấm ngược gây dột.

Việc không bảo dưỡng duy tu vệ sinh thường xuyên có thể bị thấm dột

Đối với nhà mái tôn, nếu làm đúng kỹ thuật sẽ là phương án chống thấm hiệu quả và kinh tế được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Thông thường nhà mái tôn sẽ thấm dột tại vị trí đầu tường tiếp giáp mái, tại các đinh vít cố định và các khe tiếp giáp. Để đảm bảo chất lượng, đơn vị thi công cần tuân thủ các hướng dẫn từ nhà sản xuất cũng như kỹ sư xây dựng. Trên thực tế, các điểm cố định bằng đinh vít thường sử dụng ron cao su để cố định nên sẽ bị lão hóa và bong theo thời gian, việc kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế định kỳ là rất cần thiết.

Với nhà đang sử dụng bị thấm, dột thì cần tiến hành khảo sát kỹ nguyên nhân nguồn thấm để ngăn chặn tác nhân chính, sau đó mới khắc phục vị trí bị thấm. Cần phải có sự tham gia từ phía nhà chuyên môn đáng tin cậy để đưa ra giải pháp khắc phục triệt để và hiệu quả nhất. Đối với nhà mái tôn và mái ngói thường chủ yếu xử lý các điểm tiếp giáp, thay ngói mới, gia cố các đinh vít cố định, gia cố đỉnh mái… Đối với mái bê tông thông thường sẽ tháo dỡ và gia cố lớp chống thấm một cách kỹ lưỡng nhằm tránh bị thấm trở lại. Việc này tương đối tốn kém và thời gian nhưng nếu gia chủ không khắc phục triệt để có thể gây giảm tuổi thọ công trình.

Kiểm tra, gia cố để tăng hiệu quả sử dụng

Với điều kiện khí hậu phức tạp với nắng, gió, mưa, bão xoay vòng như ở nước ta, thấm dột hầu như xuất hiện phổ biến tại mọi địa phương. Việc gia chủ ý thức được tầm quan trọng, có phương án chống thấm hiệu quả và đầu tư đúng mức sẽ mang lại sự yên tâm sử dụng lâu dài. Đặc biệt, cần duy trì các hoạt động kiểm tra bảo dưỡng thường niên hoặc trước mùa mưa bão sẽ giúp gia chủ giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thi công, sửa chữa để đúng phương pháp và tiết kiệm chi phí.

Tác giả  KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Tin liên quan

Tôi muốn tìm