"Tổ khuyến năng" vì lợi ích cộng đồng

Những năm gần đây, lượng điện năng tiêu thụ ở Việt Nam luôn nằm ở mức cảnh báo, do nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Vậy bạn nghĩ sao về một ngôi nhà giúp tiết  kiệm điện năng? Tại Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn”, một mẫu nhà tiết kiệm điện năng được tạo ra với không chỉ một mà nhiều ý nghĩa cộng đồng. Có tên gọi “Tổ khuyến năng”, hiểu nôm na là Tổ ấm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc cho riêng mình.

Mục tiêu của thiết kế là đưa kiến trúc chung tay vào công cuộc phát triển năng lượng tái tạo và tạo ra việc làm cho người dân ở nông thôn Việt Nam, giúp hỗ trợ công nghiệp hóa nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Với tên gọi là Tổ khuyến Năng, ngôi nhà có ba phần chính gồm: bộ khung chịu lực; hệ bao che hai lớp và phần hoàn thiện, có thể ứng dụng vào nhiều khu vực dễ bị tổn thương khác nhau như: nông thôn, vùng thiên tai lũ lụt, khu tái định cư - thu nhập thấp.

Cụm các ngôi nhà được bố cục, ghép với nhau theo nhiều cách sẽ tạo nên một quần cư yên bình với những khoảng không gian mở liên hoàn dành cho tất cả mọi người. Tổ khuyến Năng cũng có thể được sử dụng như một không gian đa năng phục vụ các nhu cầu về giáo dục, y tế, cộng đồng…

Bộ khung chịu lực (cột và dầm dài 3m, khung mái dốc) bằng thép hộp (15x15cm) lắp ghép với nhau qua khớp nối đa điểm giúp dễ dàng phát triển thêm tầng. Bộ khung cũng có thể nâng cao trụ móng thành dạng nhà sàn (cho địa hình đồi núi) hoặc xòe rộng phần nền thành dạng nhà nổi bằng nhiều thùng phuy phía dưới (cho vùng sông nước).

Hệ bao che hai lớp (tường bao, mái, cửa) được xác định tùy theo từng vùng khác nhau với những loại vật liệu thân thiện và có sẵn ở địa phương như: gạch đất nén, gạch không nung, gạch phế thải, thép hộp, tôn, lá,.. Đặc biệt, nhà có các tấm thái dương năng trên mái, sản sinh ra lượng điện nhiều gấp đôi lượng cần thiết cho các thiết bị điện thông dụng trong một nhà thông thường. Số điện dư sẽ được tích trữ hoặc kinh doanh. Đỉnh mái có hệ thống phun nước để làm sạch và làm mát mái trong những ngày hè oi bức. Tái sử dụng nước sinh hoạt được đặc biệt chú trọng.

Phần hoàn thiện (nền, sàn, thang, vách ngăn, đồ nội thất) được thực hiện tùy theo điều kiện và nhu cầu về diện tích ở của mỗi gia đình. Ngôi nhà có thể được hoàn thiện theo từng giai đoạn từ dưới lên trên dựa trên các khoảng trống sẵn có phía trong nó.

Trong tác phẩm này còn có một điều đặc biệt nữa. Đó là người sử dụng sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thi công Ngôi nhà và họ sẽ chủ động ngăn chia các không gian theo nhu cầu của bản thân, ngoài ra, họ cũng chính là lực lượng sản xuất ra các vật liệu (bao che và hoàn thiện) phù hợp với địa phương. Qua đó, góp phần tạo ra việc làm, hình thành nên những Tổ ấm khuyến khích phát triển Năng lượng tái tạo và mang lại sự phát triển cân bằng sinh thái cũng như sự ổn định về kinh tế cho cộng đồng dân cư ở các khu vực dễ bị tổn thương.

Tác giả thiết kế: KTS. Đoàn Thanh Hà

Tin liên quan

Tôi muốn tìm